THỰC TRẠNG SỰ THAM GIA CỦA CỘNG ĐỒNG, PHÂN TÍCH DỮ LIỆU VÀ LẬP KẾ HOẠCH VỀ NƯỚC VÀ ĐIỀU KIỆN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG
Tóm tắt nghiên cứu
Căn cứ vào chiến lược hoạt động của Plan về chương trình NS-VSMT giai đoạn 2006 - 2010, trên cơ sở Chiến lược quốc gia của Việt Nam về NS-VSMT và cam kết giữa Plan với UBND huyện Sóc Sơn về chương trình hỗ trợ can thiệp NS-VSMT tại 5 xã (Tân Minh, Bắc Phú, Xuân Thu, Tân Hưng, Việt Long); để có cơ sở cơ sở khoa học và thực tiễn xác định chương trình giai đoạn 2007 - 2010, Trung tâm phát triển cộng đồng và trẻ em (CDECC) phối hợp với Plan Việt Nam tiến hành khảo sát: "Thực trạng sự tham gia của cộng đồng, phân tích, lập kế hoạch về NS-VSMT" tại 5 xã của huyện Sóc Sơn từ 2/2007 đến 4/2007.
1. Mục tiêu nghiên cứu
Phân tích tình trạng NS-VSMT, bệnh phụ khoa, bệnh mắt của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng; bệnh mắt, bệnh ngoài da của trẻ em có liên quan đến NS-VSMT.
Đề xuất chương trình can thiệp đến 2010 về NS-VSMT tại 5 xã của huyện Sóc Sơn nhằm đạt được chương trình quốc gia của Plan giai đoạn 2007 - 2011 và Chương trình quốc gia về NS-VSMT giai đoạn 2006 - 2010 của Việt Nam.
2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu tài liệu
- Thu thập các báo cáo, nghiên cứu, số liệu thống kê NS-VSMT và tài liệu có liên quan. - Phân tích nội dung các cài liệu phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu.
Phương pháp định lượng
- Phỏng vấn cấu trúc 600 đối tượng, gồm: 200 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng, 200 nam giới có vợ trong độ tuổi sinh đẻ, 200 trẻ em tuổi từ 10 đến dưới 16. - Quan sát hiện trạng NS-VSMT của 200 hộ gia đình, 15 trường học/cơ sở mẫu giáo và 5 trạm y tế của 5 xã.
Phương pháp định tính
- Phỏng vấn sâu 81 người, gồm: 41 cán bộ lãnh đạo, quản lý; 20 người dân, 20 trẻ em từ 10 đến dưới 16 tuổi. - Thảo luận 15 nhóm, gồm: 5 nhóm cán bộ xã; 5 nhóm người dân và 5 nhóm trẻ em từ 10 đến dưới 16 tuổi.
Khám bệnh cho phụ nữ và trẻ em
- Khám phụ khoa, bệnh mắt cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng trong 200 hộ gia đình thuộc diện điều tra - Khám bệnh mắt, bệnh ngoài da cho trẻ em từ 3 dưới 6 tuổi trong 200 hộ gia đình thuộc diện điều tra.
Phân tích chất lượng nước tại xã Xuân Thu
- Phân tích chất lượng nước với 20 mẫu nước, trong đó có 12 mẫu nước của hộ gia đình; 8 mẫu nước thuộc khu vực cộng cộng - Phân tích chất lượng nước với 11/22 chỉ tiêu theo Quyết định 09/2005/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Các phát hiện chính
Nước, điều kiện VSMT của các hộ gia đình và khu vực công cộng đảm bảo hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ rất thấp
Nước, điều kiện vệ sinh của gia đình : số hộ gia đình có nước sạch 36%; số hộ lọc nước trước khi dùng 31%; số hộ có nhà tiêu 80%, số hộ có nhà tiêu đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh 13%; số hộ xử rác thải hợp vệ sinh 13.9%.
Nước, điều kiện VSMT thuộc khu vực công cộng : số trạm y tế có nước sạch 3/5 trạm; nhà tiêu đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh 0/5 trạm; xử lý rác thải hợp vệ sinh 0/5 trạm ; số trường học, cơ sở mẫu giáo có nước sạch 4/13 trường, cơ sở mẫu giáo có nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh 0/15 trường ; số trụ sở UBND có nhà tiêu đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh 0/5 trụ sở ; xử lý rác thải của các chợ và đường làng ngõ xóm của các xã không hợp vệ sinh
Chất lượng nước của một số hộ gia đình, trường học, trạm y tế và nước bề mặt bị ô nhiễm (kết qủa phân tích chất lượng nước tại xã Xuân Thu)
11/12 mẫu nước của hộ GĐ có ít nhất 1/11 chỉ tiêu được phân tích vượt qúa giới hạn tối đa cho phép của theo Quyết định 09 của Bộ trưởng Bộ Y tế, trong đó có 1 mẫu nước bị nhiễm Thủy ngân, 1 mẫu nước nhiễm Asen (mẫu nước nhiễm Thuỷ ngân và Asen mới chỉ là phát hiện ban đầu, cần có sự giám sát, phân tích tiếp mẫu nước của 2 hộ gia đình mới có thể kết luận chính xác)
Nước của cơ sở mẫu giáo Xuân Thu, trạm y tế Xuân Thu bị ô nhiễm; ao, đầm, sông Cà Lồ đều bị ô nhiễm
Phụ nữ và trẻ em mắc bệnh có liên quan đến NS-VSMT chiếm tỷ lệ khá cao
Phụ nữ mắc bệnh phụ khoa 54.1%, mắc bệnh mắt 11.7%; tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa, bệnh mắt trong các hộ gia đình điều kiện NS-VSMT không hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ cao hơn so với phụ nữ mắc bệnh trong các hộ gia đình có điều kiện NS-VSMT đảm bảo hợp vệ sinh.
Trẻ em từ 3 đến dưới 6 tuổi mắc bệnh mắt 16.3%, mắc bệnh ngoài da 31.6%; trẻ em mắc bệnh mắt của nhóm các bà mẹ mắc bệnh mắt 34.6%, trẻ em bị mắc bệnh mắt là con của nhóm các bà mẹ không bị bệnh mắt là13.9%.
Kiến thức, thái độ, sự tham gia bảo quản, giữ vệ sinh nguồn nước, điều kiện VSMT của người dân và trẻ em còn rất thấp
Người dân biết thế nào là nước sạch 9%, trẻ em biết thế nào là nước sạch 23%. Phần lớn người dân và trẻ em chưa biết các loại nhà tiêu hợp vệ sinh, tiêu chuẩn nhà tiêu đảm bảo hợp vệ sinh. Không có sự khác biệt đáng kể về giới trong hiểu biết về NS-VSMT.
Người dân chưa thật sự quan tâm đến NS-VSMT, có biểu hiện phó mặc, coi đảm bảo NS-VSMT cho gia đình là việc của chính quyền; phần lớn người dân không biết, không quan tâm đến NS-VSMT của trường học, trạm y tế. Phụ nữ quan tâm NS-VSMT hơn so với nam giới.
Người dân giữ vệ sinh, bảo quản nguồn nước, điều kiện VSMT ở gia đình còn hạn chế; các hộ gia đình chi phí để khai thác, bảo quản sử dụng nguồn nước và điều kiện VSMT của gia đình còn thấp. Hầu hết người dân chưa tham gia bảo quản, giữ vệ sinh nguồn nước, điều kiện VSMT của trường học, trạm y tế. Phụ nữ giữ vai trò chủ yếu trong bảo quản nước, giữ vệ sinh nhà tiêu, chuồng trại gia súc, gia cầm của gia đình.
Qua tiếp cận có thể khẳng định: kiến thức, thái độ, tham gia bảo quản, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, điều kiện VSMT còn hạn chế của người dân là yếu tố chủ yếu dẫn đến tình trạng NS-VSMT đảm bảo hộ vệ sinh của 5 xã chiếm tỷ lệ thấp.
Kiến thức của người dân, của trẻ em về một số bệnh có liên quan đến NS-VSMT và thực hành phòng ngừa bệnh tật còn thấp, điều kiện để trẻ em thực hành còn nhiều hạn chế
Người dân và trẻ em biết một số bệnh có liên quan đến NS-VSMT chiếm tỷ lệ thấp: người dân biết có một số bệnh có liên quan đến NS-VSMT là 81.8%, trong đó số người biết có thể mắc bệnh tiêu chảy 61.5%, bệnh ngoài da 24.2%, bệnh mắt hột 15.3%, bệnh phụ khoa 8.6%, bệnh giun sán 7.6% ; trẻ em biết một số bệnh có liên quan đến NS-VSMT là 84.5%, trong đó trẻ em biết có thể mắc bệnh tiêu chảy 62.1%, bệnh giun 31.5%, bệnh ngoài da 24.3%, bệnh mắt hột 8.9%.
Thực hành phòng ngừa các bệnh có liên quan đến NS-VSMT còn hạn chế: người dân và trẻ em còn uống nước lã và coi đó là bình thường (người dân có uống nước là 14.5%, trẻ em có uống nước lã 26.9%) ; một bộ phận người dân và trẻ em có rửa tay và rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi đại tiện, tuy nhiên chưa hình thành được thói quen thường xuyên.
Trẻ em thiếu những điều kiện cần thiết để thực hành vệ sinh ở trường và gia đình : không có hoặc thiếu nước rửa tay ở trường : thiếu hoặc không có vòi nước chảy để rửa tay ở trường ; thiếu hoặc không có xà phòng rửa tay ở trường và ở gia đình
Kiến thức, sự quan tâm, năng lực chỉ đạo và tính gương mẫu về NS-VSMT của một bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở còn ở hạn chế làm ảnh hưởng đáng kể đến việc tổ chức triển khai chương trình NS-VSMTtại cộng đồng
Cán bộ thiếu kiến thức về NS-VSMT và không nắm được những qui định về NS-VSMT của Bộ Y tế
Cán bộ chưa dành thời gian và tâm huyết quan tâm tới NS-VSMT
Kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát đánh giá NS-VSMT còn nhiều hạn chế
Cán bộ xã, thôn, thiếu gương mẫu làm ảnh hưởng không tốt đến triển khai chương trình NS-VSMT tại cộng đồng
Người dân và trẻ em tiếp nhận thông tin NS-VSMT từ nhiều nguồn khác nhau
Người dân tiếp nhận thông tin NS-VSMT từ kênh truyền hình khoảng trên 60% (tỷ lệ cao nhất), kết tiếp là loa truyền thanh khoảng 18%, từ sách báo khoảng 9.8%, từ cán bộ trạm y tế khoảng 7.5% và một số kênh khác.
Trẻ em tiếp nhận thông tin NS-VSMT từ nhà trường khoảng trên 55% (tỷ lệ cao nhất), kế tiếp là truyền hình khoảng trên 40%, từ gia đình khoảng 24%.
Dự định của người dân góp phần việc xây dựng, cải tạo, giữ vệ sinh NS-VSMT của gia đình và trường học, trạm y tế còn thấp
Hộ gia đình có dự định cải tạo nguồn nước sinh hoạt của gia đình 60.5%; cải tạo nhà tiêu của gia đình 57%; cải tạo điều kiện xử lý rác, chất thải gia xúc gia cầm 37%. Tuy nhiên, các dự định này theo người dân là khó thực thi bởi họ không có kinh phí.
Hầu hết người dân không có dự định góp phần xây dựng, cải tạo, giữ vệ sinh NS-VSMT của trạm y tế và trường học.
Các cấp chính quyền của thành phố, huyện, xã chưa có kế hoạch cụ thể về NS-VSMT giai đoạn 2006 - 2010
Cấp Trung ương: Việt Nam đã Chiến lược quốc gia về NS-VSMT nông thôn giai đoạn 2006 - 2010, chiến lược xác định: đến cuối 2010, dân số có nước sạch sử dụng là 80%, trong đó 50% nước sạch theo Quyết định 09 của Bộ trưởng Bộ Y tế; số hộ gia đình có nhà tiêu đạt tiêu tiêu hợp sinh 70%; số hộ gia đình có chuồng trại hợp vệ sinh 70%.
Thành phố Hà Nội: trong Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của thành phố giai đoạn 2006 - 2010 định hướng: đến năm 2010, 100% các thôn làng của khu vực ngoại thành có nước sạch sử dụng, các chỉ tiêu khác về NS-VSMT chưa được xác định. Sở Tài nguyên, môi trường và nhà đất Hà Nội và một số ngành có liên quan mới có chủ trương, nhưng chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể về NS-VSMT đến 2010.
Huyện Sóc Sơn: Huyện ủy, HĐND, UBND có chủ trương đẩy mạnh chương trình NS-VSMT, tuy nhiên chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể. Hiện nay, huyện đang triển khai chương trình cấp nước sạch đến 2010 cho 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn (thuộc khu vực bãi rác), khu vực công nghiệp, khu thị trấn Sóc Sơn và đầu tư kinh phí để vận chuyển rác của các xã đi bãi rác Nam Sơn.
Đảng ủy, HĐND, UBND của 5 xã: có chủ trương về NS-VSMT, song các xã chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể NS-VSMT giai đoạn 2006 - 2010. Một số xã, sau cuộc khảo sát và hội thảo về NS-VSMT tại Sóc Sơn đã sử dụng cơ sở dữ liệu khảo sát để xây dựng kế hoạch NS-VSMT của xã đến 2010.
4. Kết luận và khuyến nghị
Kết luận chủ yếu
Hiện trạng NS-VSMT của các hộ gia đình, trường học, trạm y tế hầu hết chưa đảm bảo hợp vệ sinh và còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu NS-VSMT ở khu vực nông thôn được xác định trong chương trình quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội đến 2010;
Nước của xã Xuân Thu bị ô nhiễm, nhất là có dấu hiệu nhiễm Thủy ngân và Asen trong 2 hộ gia đình; tình trạng nước bị ô nhiễm tiềm ẩn những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, nhất là phụ nữ và trẻ em;
Tình trạng phụ nữ, trẻ em mắc bệnh có liên quan đến NS-VSMT chiếm tỷ lệ khá cao trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ em;
Kiến thức, thái độ, hành vi thực hành góp phần bảo quản, giữ vệ sinh NS-VSMT và phòng ngừa các bệnh có liên quan đến NS-VSMT của người dân, của trẻ em còn rất thấp - đây là yếu tố chủ yếu và rất quan trọng dẫn đến tình trạng NS-VSMT không đảm bảo hợp vệ sinh và tỷ lệ mắc một số bệnh có liên quan đến NS-VSMT ở phụ nữ và trẻ em chiếm tỷ lệ cao;
Kiến thức, sự quan tâm, năng lực chỉ đạo về NS-VSMT của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế làm ảnh hưởng lớn đến việc triển khai chương trình NS-VSMT và phòng ngừa các bệnh có liên quan tại cộng đồng;
Người dân và trẻ em tiếp cận thông tin về NS-VSMT từ nhiều kênh khác nhau, trong đó một số kênh như truyền hình, trường học, loa truyền thanh, gia đình có nhiều đối tượng được tiếp cận;
Người dân dự định xây dựng, cải tạo, giữ vệ sinh NS-VSMT của gia đình chiếm tỷ lệ thấp; hầu hết người dân không có dự định góp phần xây dựng, cải tạo, giữ vệ sinh đối với trường học và trạm y tế; Thành phố Hà Nội, huyện Sóc Sơn và 5 xã chưa có kế hoạch NS-VSMT đến 2010 điều này làm ảnh hưởng đáng kể đến tổ chức triển khai chương trình NS-VSMT tại cộng đồng và tiến độ thực hiện mục tiêu NS-VSMT quốc gia.
Khuyến nghị chủ yếu
Tăng cường xây dựng, cải tạo, bảo quản, sử dụng nước, nhà tiêu, xử lý rác thải trong các hộ gia đình và khu vực công cộng đảm bảo hợp vệ sinh (chú trọng lọc nước trước khi dùng; những gia đình chưa có nhà tiêu làm nhà tiêu hợp vệ sinh, cải tạo/làm mới để chuyển đổi nhà tiêu 1 ngăn, nhà cầu thành nhà tiêu hợp vệ sinh; xử lý rác sinh hoạt hợp vệ sinh, tăng cường làm Bioga để xử lý chất thải gia súc, gia cầm; cải tạo, nâng cấp hệ thống đường, cống thoát nước, ...)
Giám sát mẫu nước nhiễm Thủy ngân và Asen ở Xuân Thu, đồng thời hỗ trợ các gia đình các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tình trạng ô nhiễm nước; mở rộng phân tích mẫu nước ở xã Xuân Thu để có kết luận chính xác về tình trạng nước nhiễm Thủy ngân, Asen, chất lượng nước ở xã Xuân Thu.
Khám định kỳ cho phụ nữ và trẻ em để phát hiện kịp thời các bệnh có liên quan để có biện pháp phòng ngừa và điều trị
Truyền thông, giáo dục bằng nhiều hình thức và nội dung phù hợp để nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành của người dân về NS-VSMT và phòng ngừa các bệnh có liên quan;
Nâng cao kiến thức, năng lực chỉ đạo và tính gương mẫu của cán bộ xã, thôn về NS-VSMT;
Các cấp chính quyền và các ban ngành có liên quan nhanh chóng xây dựng kế hoạch về NS-VSMT đến 2010 nhằm cụ thể hóa chương trình mục tiêu của quốc gia, thúc đẩy triển khai chương trình nước sạch tại cộng đồng của 5 xã.
Tăng cường sự hợp tác giữa UBND huyện Sóc Sơn, 5 xã, các ban ngành có liên quan và Plan Việt Nam trong việc bàn thảo xây dựng và thực hiện kế hoạch thúc đẩy chương trình NS-VSMT. |
TIN TỨC & SỰ KIỆN
MC - CDECC Tư Vấn PC.HIV
THỜI TIẾT

NguoiYenThanh.Com
Đang Tải Dữ Liệu